Một số loài mối điển hình ở Việt Nam - Phần 1

Cùng tìm hiểu về các loài mối hại gỗ phổ biến tại Việt Nam.


1. Mối gỗ khô (tên khoa học là  Cryptotermes domesticus)


Được đặt tên do chúng chỉ ăn gỗ khô và các chất cellulose khô như giấy, quần áo.… Chúng  thường hay bị nhầm là mọt.
 

Tác hại: Thường chỉ tấn công các loại gỗ mềm. Gỗ cứng như lim hay gỗ xoan ngâm đã sử dụng lâu năm cũng bị loài này phá hủy. Ở vùng nông thôn, chúng phá hại nghiêm trọng những công trình làm bằng gỗ tạp (gỗ nhóm 4), & hầu như nhà nào cũng bị loài này phá hại.
Dù không gây hại khốc liệt như những loài mối gỗ ẩm, nhưng với đặc điểm âm thầm, luôn để lại một lớp gỗ mỏng để nguỵ trang nên chúng ít được chú ý. Khi hết thức ăn chúng bỏ đi cũng là khi gỗ đã bị rỗng.
Có thể phá hại hơn 70 loại gỗ ở Việt Nam.


Phân loại và Hình dạng


Có 2 dạng là mối lính và mối thợ.  Tùy thuộc vào độ tuổi mà chúng có kích thước khác nhau.  
Mối lính có hàm ngắn, đầu nâu đỏ đến nâu đen, trán có gờ nhô cao. Mối thợ có đầu màu trắng trong, bụng dài, to hơn mối thợ của Coptotermes formosanus và có màu trắng hoặc trắng hồng.
Sinh sản


Ở Miền Bắc, mối cánh bay giao hoan phân đàn từ tháng 4 đến tháng 9. Thời gian bay giao hoan phân đàn trong ngày thường vào lúc 17 giờ. Vào những ngày trời âm u, mối cánh có thể bay sớm hơn. Sau khi kết đôi khoảng 7- 10 ngày mối cái bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu mối chỉ đẻ 5-20 trứng.
Một đàn mối chỉ có khoảng vài trăm cá thể. Tuy số lượng cá thể của một đàn nhỏ nhưng trong một cấu kiện gỗ có thể có nhiều tổ nên tác hại của chúng đối với gỗ cũng đáng kể.


Phân bố


Có mặt ở tất cả các tỉnh tại Việt Nam.


Nhận biết tổ mối Cryptotermes domesticus Havilandi


•    Tổ không liên hệ với nền đất. Mối gỗ khô không xây dựng đường mui và không bao giờ đi ra ngoài tổ.
•    Tổ của loài này cũng là nơi khai  thác thức ăn. Chúng làm tổ trong gỗ, trong đống giấy.
•    Tổ mối là hệ thống khoang rỗng dạng khe hẹp có kích thước không đồng đều và hình dạng không cố định. Khoang lớn có thể dài 16-18cm, rộng 4-5cm (xem hình 1, 2).
•    Mỗi tổ mối thường có một số lỗ ăn thông từ khe rỗng ra bên ngoài cấu kiện gỗ, lỗ có đường kính khoảng 1mm ở phía dưới khe rỗng, mối thường xuyên thải phân qua lỗ này. Phân của loài này dạng hạt cải, khô cứng, dài khoảng 1mm. Đây là đặc điểm quan trọng nhất để phát hiện sự có mặt của loài này trong công trình.


2. Mối gỗ ẩm (tên khoa học là Coptotermes formosanus)
Được đặt tên để phân biệt với mối gỗ khô vì tổ của chúng luôn có đường liên hệ với nền đất để lấy nước.


Tác hại: ăn các loại gỗ hoặc các đồ dùng, vật liệu đã chế biến có chứa cellulose như giấy. Chúng thường ngầm phá hại bên trong cấu kiện gỗ trong công trình kiến trúc. Đối với các cấu kiện gỗ cứng như lim, chúng khó ăn rỗng nhưng trong các trường hợp cấu kiện gỗ lim thường xuyên bị ẩm như đầu gỗ chôn trong tường, nơi mái bị dột làm gỗ mục hoặc chân cột thì nhanh chóng bị chúng làm rỗng bên trong. Các phần gỗ dễ bị phân huỷ như lõi cột lim cũng bị loài này ăn hại.
Chúng có thể tập trung rất nhanh vào những nơi có nguồn thức ăn ưa thích nên tốc độ phá hoại của chúng rất lớn.


Phân loại và hình dạng: mối gỗ ẩm có 2 dạng là mối lính và mối thợ. Mối lính có lưng bụng màu trắng sữa, hơi vàng, đầu màu vàng đỏ, hàm dài và thường tiết giọt dịch như sữa ở trước đầu khi bị kích động. Mối thợ có đầu màu trắng trong, lưng bụng có màu trắng trong có vết đỏ hoặc đen do màu thức ăn trong ruột.


Sinh sản: Mối cánh thường bay giao hoan phân đàn vào lúc từ 17g30 – 18g trong ngày, đôi khi có thể thấy chúng bay vào lúc 21 giờ, thậm chí là 11 giờ sáng ở tổ mối bị ngộ độc hoá chất. Mỗi một tổ mối có thể sản sinh ra hàng vạn cá thể mối cánh trong 1 năm.
Hàng năm mối cánh Coptotormes formosanus thường bay giao hoan từ tháng 4 đến tháng 7. Sau khi bay giao hoan, mối cánh bắt cặp rồi dẫn nhau đi tìm nơi làm tổ. Sau 2 – 3 ngày chúng sẽ đẻ trứng, sau khoảng 28 ngày trong tổ bắt đầu có con non, khoảng 90 ngày chúng bắt đầu đi kiếm ăn.
Chúng thường làm tổ tại những nơi có khe rỗng sẵn như nơi nứt của nền, tường nhà, hay nơi tiếp giáp giữa các vật như chân cột, giữa viên gạch và đất.…


Phân bố: rất rộng, chúng là đối tượng gây hại cho các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.


Nhận biết tổ mối gỗ ẩm


•    Tổ của chúng luôn có đường liên hệ với nền đất để lấy nước nên chúng còn được xếp vào nhóm mối gỗ ẩm
•     Tổ mối là khối xốp màu nâu đen hoặc xám tro. Thành phần chủ yếu của khối xốp này là bột gỗ, đất, cát được trộn lẫn với nước bọt của mối.
•    Luôn di chuyển trong những đường bao kín bằng đất, thường được gọi là đường mui. Các đường mui của mối thường được xây dựng bên trong các khe tiếp giáp của các cấu kiện gỗ với tường công trình.
•    Thường làm tổ ở những nơi kín đáo trong công trình kiến trúc như: nền nhà, panen, khe giữa hai tường, trong các cấu kiện gỗ, dưới gốc cây, trong thân cây, trong khối tài liệu. Trong nền nhà Coptotermes formosanus thường làm tổ ở chiều sâu từ 0,2 - 1,5m. Ở một số nước khác còn gặp tổ của chúng ở sâu hơn (1,8 - 3 m).
•    Số lượng cá thể trong một tổ có thường là 1-3 triệu, ở những tổ lớn có thể tới vài chục triệu. Tổ mối của loài này có thể hoạt động trong vòng bán kính 100m, do đó, một tổ mối có thể gây hại ở nhiều công trình.

TS. Nguyễn Tân Vương
Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

(Còn tiếp)

Xem thêm:

Tổng quan về loài mối

Xử lý mối cho công trình trước xây dựng

Xử lý mối cho công trình sau xây dựng

Hệ thống ngăn chặn và bẫy mối Exterra

Hệ thống chống mối không hóa chất Novithor

 

 

Hỗ trợ khách hàng
Chi nhánh TP.HCM
Gọi đường dây nóng
1800 1554

028.39118076

028.39118077
 
 
Chọn lại khu vực cần xử lý
Đang online : 3263
Lượt truy cập: 14875542