Mối đất tại Việt Nam

Mối là hiểm họa của các công trình xây dựng và tài sản của con người, đặc biệt là đối với sản phẩm sử dụng vật liệu gỗ, thức ăn ưa thích của chúng. Đáng nguy hại là loài mối đục ruỗng các đồ vật gỗ mà không một ai hay biết. Chúng sẽ đục khoét cho đến khi nào không thể ăn thêm được nữa rồi cao chạy xa bay, chuyển sang tìm kiếm nguồn thức ăn mới. Mối nhanh và mạnh nên từ lâu mối được xem như kẻ phá hoại số một đối với tài sản con người.

 

Tổng quan về loài mối

 

Mối là loại côn trùng nguyên thủy có mặt trên trái đất từ 200 triệu năm trước, sống thành quần thể và có tính xã hội hóa cao. Mối được chia làm 3 họ: Kalotermitidae (mối gỗ khô), Rhinotermitidae (mối gỗ ẩm) và Termitidae (mối đất). Trong đó phổ biến nhất và gây hại chủ yếu cho công trình tại Việt Nam là mối nhà Coptotermes thuộc họ Rhinotermitidae.

Hàng năm mối gây ra những thiệt hại không nhỏ về tài chính cho nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam chúng ta. Tại các công trình đang sử dụng, mỗi năm chúng ta phải bỏ ra một lượng kinh phí khổng lồ để duy trì, sửa chữa các khiếm khuyết mà mối đã gây ra.

Sự phá hại của mối thường tập trung chủ yếu là các công trình xây dựng, các loại vật liệu có nguồn gốc Celluloces được sử dụng trong các công trình đê đập, hệ thống các kho tàng, thư viện, các công trình đê đập, thậm chí cả hồ bơi… Ngoài ra mối còn phá hại nghiêm trọng tới các loại cây công nghiệp như: chè, xoài, nhãn, vải… và nhiều loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống.

Các công trình xây dựng hiện nay đang có nguy cơ tiềm ẩn về sự phá hoại của loài Mối. Mỗi đối tượng; nhà cửa, kho tàng; và cây... bị các loài mối gây hại ở mức độ khác nhau. Riêng với nhà cửa, kho tàng ở nước ta thì mức độ gây hại nghiêm trọng nhất thuộc về các loài mối thuộc giống coptotermes (còn gọi là mối gỗ ẩm), tiếp theo là các loài thuộc nhóm mối đất, tập trung trong 2 giống Odontotermes và Macrotermes, cuối cùng là nhóm mối gỗ khô, thuộc giống Cryptotermes. Các loài mối coptotermes làm tổ ngầm trong nền móng công trình, trong cây, hoặc kết cấu khác của công trình, đường mui chủ yếu là đơn lẻ, chúng hoạt động ở nhiều tầng cao thấp khác nhau của công trình.

Là loài côn trùng bộ Cánh đều (Isoptera), chuyên dinh dưỡng trên các nguồn thức ăn có chứa cellulose. Chúng có các đặc điểm chung sau đây: Hàm của mối thợ (mối đi kiếm ăn) là hàm nhai nghiền nên chúng có thể gặm được các loại gỗ cứng, kể cả lim, chúng cũng có thể cắn phá được cả những vật liệu bằng plastic. Khi đi kiếm ăn chúng thường đắp đất tạo thành lớp bảo vệ ở nơi kiếm ăn. Một số loài có khả năng khoét đất tạo khoang rỗng trong lòng đất.

Tác hại của chúng đối với các đối tượng kinh tế chủ yếu là:

- Phá huỷ các đồ vật và các cấu kiện gỗ trong công trình.

- Phá huỷ hệ thống cáp điện ngầm và các thiết bị điện tử.

- Gây sụt lún cho nền móng công trình. .tiêu huỷ các tài liệu, sách vở, cattong, các vật liệu có nguồn gốc từ Cellulose và thức ăn mà loài mối rất ưa thích.

- Mối gây gãy, đổ, chết cây trồng.

 

          

 

 

Tại sao gọi mối là côn trùng xã hội?

 

Trong một tộc đoàn mối, mỗi nhóm cá thể thực hiện các chức năng riêng biệt được gọi là thành phần đẳng cấp. Đàn mối chỉ tồn tại khi có đủ các thành phần đẳng cấp. Một tộc đoàn mối thường có các đẳng cấp cơ bản sau:

  • Mối thợ chiếm tỉ lệ cá thể lớn nhất trong tổng số cá thể của tộc đoàn mối. Nhiệm vụ chính là kiếm và chế biến thức ăn, xây dựng tổ,điều tiết khí hậu trong tổ, ngoài ra chúng còn dự báo được thời vụ giao hoan phân đàn, chăm sóc con non và các cá thể khác trong đàn, truyền thông tin giữa các cá thể.
  • Mối lính thường chiếm tỉ lệ nhỏ nhất trong tộc đoàn mối nhiệm vụ đánh đuổi kẻ thù bảo vệ đàn.
  • Mối vua và mối chúa chuyên làm nhiệm vụ sinh sản. Mỗi tộc đoàn mối thường có 1 mối vua và 1 mối chúa, nhưng cũng có trường hợp trong một tộc đoàn mối có đến vài mối vua hoặc vài mối chúa.
  • Mối cánh là những cá thể sinh sản thành thục, sau khi bay phân đàn chúng cặp đôi tạo thành các tổ mối mới, độc lập với quần tộc cũ.
  • Ngoài ra trong tập đoàn mối còn có nhiều mối non, những cá thể sẽ trưởng thành và phân hóa thành các đẳng cấp theo sự điều khiển của quần tộc.


Sự tồn tại 1 tộc đoàn mối dựa trên sự phối hợp thực hiện các chức năng một cách tự giác của các đẳng cấp. Chúng đảm bảo cho sự cân bằng về dinh dưỡng, năng lượng, vi khí hậu trong tổ, chống lại được kẻ thù, đảm bảo duy trì nòi giống. Chính vì có các tập tính này mà mối được gọi là côn trùng xã hội.

 

 

Làm thế nào để phát hiện ra mối trong tài sản của bạn?

 

Nhìn chung, tổ mối có tổ chính (nest) và tổ phụ (các ngóc ngách – subnest). Nhìn bên ngoài, tổ chính và phụ tương đối giống nhau nhưng trong khi tổ chính chứa đầy đủ thành phần mối thì tổ phụ chỉ chứa mối thợ, mối lính, mối non và mối trưởng thành.

Có thể phân biệt các loại tổ mối như sau:

-       Tổ trong gỗ (đa phần là mối gỗ khô): tổ chỉ nằm gọn trong thanh gỗ, không liên hệ gì với đất. Tổ thường kết cấu đơn giản, quần thể không lớn. Có những lỗ nhỏ thông từ hang này sang hang khác và thông với bên ngoài.

-       Tổ trong gỗ và đất: tổ có thể trong gỗ khô, trong cây sống và có thể có một phần trong đất

-       Tổ u nổi: có những u cao hơn mặt đất và những khoang chìm sâu dưới đất.

-       Tổ chìm: hoàn toàn nằm ẩn náu trong lòng đất.

Gỗ bị mối phá hoại có đặc điểm hình thù riêng. Trong các cấu kiện gỗ mà chúng phá hoại thường xuất hiện vết đất hoặc “bùn”. Khu vực bị mối đất phá hoại trông rất “dơ bẩn”. Chỉ có lớp gỗ mềm bị mối ăn, phần gỗ có những lỗ thủng như tổ ong. Phát hiện ra những dấu hiệu này đồng nghĩa tài sản của bạn đang bị mối đe dọa. Hãy xử lý ngay!

Hỗ trợ khách hàng
Chi nhánh TP.HCM
Gọi đường dây nóng
1800 1554

028.39118076

028.39118077
 
 
Chọn lại khu vực cần xử lý
Đang online : 2026
Lượt truy cập: 15449410