TP.HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết phức tạp, đã có trường hợp tử vong

SKĐS - TP.HCM đã ghi nhận gần 4.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị và đã có 2 trường hợp tử vong. Chiều tối 22/4, Sở Y tế TP.HCM cho hay, trong những tuần vừa qua, các tỉnh Nam bộ và TP.HCM ghi nhận gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết nặng và đã có trường hợp tử vong. Ngành y tế TP.HCM dự đoán tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. So với năm 2019, có hơn 20.000 ca mắc nhưng số ca bệnh nặng chỉ có 38 trường hợp. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Hiện tại, TP.HCM đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết do được phát hiện muộn và nhập viện trễ. Các chuyên gia nhận định số người mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn số ca ghi nhận do các ca bệnh nhẹ chưa được ghi nhận và thống kê.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết - loại dịch bệnh đặc hữu của TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và ngành y tế TP.HCM cần hành động ngay với mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

 

Một trường hợp sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: BVCC

Cùng chung nhận định với PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, nhất là sau 2 năm thành phố dồn toàn lực cho đại dịch COVID-19. 

Ông Tăng Chí Thượng chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiển soát bệnh tật triển khai tập huấn ngay cho các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn. Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai ngay các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết, trong đó cần tăng cường truyền thông đến tận nhà dân và có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên thực tế hiện nay đã có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, với nhiều ca bệnh nặng, thậm chí có ca tử vong.

Các bác sĩ cho biết, với những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót.

Do đó, phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ em gái ở tuổi dậy thì)…

Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.

Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

Kim Vân

 

Hỗ trợ khách hàng
Chi nhánh TP.HCM
Gọi đường dây nóng
1800 1554

028.39118076

028.39118077
 
 
Chọn lại khu vực cần xử lý
Đang online : 6288
Lượt truy cập: 14910670