Con mạt bụi nhà gây dị ứng cho những người hen suyễn. (Ảnh: Alchetron).
Các triệu chứng dị ứng ở trẻ em mắc bệnh hen suyễn, những người trưởng thành bị hen suyễn nhạy cảm với mạt bụi, người có chức năng phổi kém và phản ứng phế quản bất thường đều tương quan với mức độ chất gây dị ứng là mạt bụi trong nhà.
Biểu bì da người là thức ăn của mạt bụi
Mạt bụi nhà có kích thước khoảng 0,3-0,4 mm, do đó, mắt thường khó nhìn thấy được. Mạt bụi nhà dùng hơi ẩm trong môi trường làm nguồn nước, biểu bì của người và thú nuôi làm thức ăn và có thể cộng sinh với các loại nấm mốc.
Do đó, mạt nhà thường sống ở những nơi có con người hoặc vật nuôi thường lui tới. Khi chúng ta nằm trên giường, gối, ngồi trên sofa, hơi ẩm từ cơ thể sẽ là nguồn nước và biểu bì da bong ra từ cơ thể sẽ là nguồn thức ăn cho mạt bụi nhà.
Bên cạnh đó, giấy, gỗ cũng có thể là nguồn thức ăn cho mạt nhà, do đó, chúng cũng thường có ở những nơi có nhiều sách báo cũ, gỗ mục, những nơi ẩm thấp khác trong nhà.
Mạt bụi nhà gây ra các phiền toái như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa khó kiểm soát và thậm chí có thể là sốc phản vệ trong một số ít trường hợp.
Triệu chứng dị ứng với mạt bụi nhà rất đa dạng, thường nhất là các biểu hiện của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng (hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt, đỏ mắt), hen suyễn (khó thở, nặng ngực, ho, khò khè).
Lượng mạt bụi nhà có trong bụi có thể từ 10 đến cả nghìn microgram/gram bụi. (Ảnh: Shutterstock).
Vì vậy, khi có các triệu chứng gợi ý dị ứng, đặc biệt là dị ứng đường hô hấp như mô tả ở trên, chúng ta cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch để được thăm khám và xét nghiệm các dị nguyên không khí có thể gây mẫn cảm, trong đó có mạt bụi nhà.
Thành phố có nhiều mạt bụi hơn
Các nghiên cứu tại Việt Nam của PGS.TS Hoàng Thị Lâm tiến hành tại Hà Nội, GS.TS Dương Quý Sỹ tiến hành tại Lâm Đồng, TS.BS Phạm Lê Duy tiến hành tại TP.HCM, cho thấy 3 loại mạt bụi nhà phổ biến ở cả 3 miền là: Dermatophagoides pteronyssinus, Dermatophagoides farinae và Blomia tropicalis.
Một người có thể mẫn cảm, dị ứng với 1, 2 và hoặc cả 3 loại trên, thường nhất là D.pteronyssinus và D. farinae.
Lượng mạt bụi nhà có trong bụi có thể từ 10 đến cả nghìn microgram/gram bụi. Số lượng mạt bụi nhà nhiều hay ít sẽ tuỳ thuộc vào từng khu vực, cũng như giữa những căn phòng trong cùng một căn nhà, vùng nông thôn ít hơn thành phố.
Dị ứng với mạt nhà có thể liên quan đến tình trạng viêm da cơ địa khó kiểm soát hoặc mày đay mạn tính. Trong một số trường hợp ít gặp hơn, dị ứng mạt bụi nhà còn có thể gây ra phản ứng phản vệ và sốc phản vệ, cần phải cấp cứu kịp thời nếu không sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Do đó, người dân cần phòng ngừa tiếp xúc mạt bụi nhà. Phòng ngừa sẽ phối hợp nhiều phương pháp khác nhau vì không có một phương pháp đơn lẻ nào là hiệu quả.
Chúng ta phải lưu ý hút bụi thường xuyên nhà cửa, phơi phóng, giũ bụi chăn màn, gối, nệm; giặt, phơi nắng các loại vật dụng làm bằng vải và giũ bụi sạch để giảm lượng dị nguyên mạt nhà.
Đồng thời, mọi người cần kiểm soát độ ẩm tương đối trong nhà không quá 60%. Có thể cân nhắc sử dụng các loại bao gối, nệm có khả năng chống mạt nhà. Nhà cửa nên được mở thoáng khí mỗi ngày 1-2 lần để giúp không khí lưu chuyển tốt hơn.
Nếu nhà có thú nuôi như chó, mèo... thì cần tắm rửa, chải lông cho thú nuôi thường xuyên vì mạt nhà có thể bám trên lông của thú nuôi và các biểu bì của thú nuôi rơi xuống có thể là nguồn thức ăn cho mạt bụi nhà.
Cập nhật: zingnews