Số ca mắc và tử vong là người lớn tăng nhanh cũng là điều đáng quan tâm với công tác phòng chống dịch bệnh này.
Bùng phát ở nhiều địa phương
Chiều 15-7, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho biết tính đến ngày 10-7 toàn tỉnh có tới 3.458 ca bị mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có hai ca tử vong. Thành phố Nha Trang vẫn là địa bàn có số người mắc cao nhất tỉnh. Còn theo kết quả kiểm tra và đánh giá của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tính đến ngày 26-6, Khánh Hòa là địa phương “dẫn đầu” cả nước về số bệnh nhân sốt xuất huyết với số ca mắc tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa và Viện Pasteur Nha Trang cho rằng hiện ở Khánh Hòa có cả bốn type virút gây bệnh. Tình trạng này được phát hiện từ các đợt dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa năm 2012.
Trong khi đó, người dân ở thôn Phú Hiệp 1, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa (Phú Yên) đang lo lắng khi hay tin bệnh nhi 4 tuổi L.P.Q.N. ở thôn này bị sốt xuất huyết, đưa đến bệnh viện quá trễ nên bị tử vong. Đến thời điểm này, Đông Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh, đã ghi nhận 260 ca, 10 ổ dịch. Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, số bệnh nhân nhập viện tăng đột biến trong ba tuần nay. Trung bình mỗi ngày hơn 30 trẻ được điều trị tại Bệnh viện Sản - nhi do sốt xuất huyết.
Từ đầu năm, Phú Yên ghi nhận hơn 1.350 ca mắc sốt xuất huyết. Theo Viện Pasteur Nha Trang, tỉnh này có tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh đứng thứ hai khu vực miền Trung, sau Khánh Hòa và đã xảy ra hai trường hợp tử vong vào đầu tháng 7-2013. Theo bác sĩ Nguyễn Hùng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên, nguyên nhân khiến sốt xuất huyết ở Phú Yên tăng nhanh, về khách quan là do thời tiết thay đổi, về chủ quan là do ý thức và nhận thức của người dân về vấn đề này còn thấp, xem nhẹ việc phòng bệnh.
Ở khu vực miền Đông Nam bộ, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho rằng tỉnh đang bước vào cao điểm mùa mưa nên số ca sốt xuất huyết tăng mạnh so với các tháng đầu năm. Đặc biệt ở Đồng Nai, nếu những năm trước bệnh sốt xuất huyết thường tập trung ở độ tuổi trẻ em, thì năm nay tỉ lệ mắc bệnh ở người lớn đang có chiều hướng gần cân bằng so với trẻ em. Số người lớn mắc bệnh có tỉ lệ không nhỏ ở nhóm công nhân, người lao động ở miền Bắc và miền Trung lần đầu tiên vào Đồng Nai thuê trọ sinh sống.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cho hay bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang tăng mạnh, trung bình hơn 70 ca/tuần, có tuần lên đến gần 100 ca. Từ đầu năm đến nay tỉnh có hai ca tử vong, đều là người lớn. Bác sĩ Tô Đức Sinh, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cũng lo ngại ở một số xã vùng sâu, người dân chưa quan tâm trong việc tự chăm sóc sức khỏe nên nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Đang chu kỳ dịch
Bên lề cuộc giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm mới nổi do Corona virus, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay năm nay là năm chu kỳ dịch (3 năm/lần) của sốt xuất huyết ở miền Trung- Tây nguyên. Vì vậy dù trên bình diện cả nước, dịch sốt xuất huyết trong sáu tháng đầu năm 2013 đã giảm 22% so với cùng kỳ năm 2012, đặc biệt khu vực nóng nhất của sốt xuất huyết là các tỉnh miền Nam giảm tới 44%, thì sốt xuất huyết lại tăng cao ở miền Trung và Tây nguyên.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, sáu tháng đầu năm 2013 cả nước có trên 23.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số ca mắc và số tử vong đều giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên tại một số địa phương miền Trung và Tây nguyên, số ca mắc tăng 2-3 lần so với cùng kỳ. Mật độ muỗi gây dịch đo được tại khu vực miền Trung - Tây nguyên cũng ở mức cao.
Bộ Y tế đã giao Viện Pasteur Nha Trang cử đoàn giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại một số tỉnh miền Trung; Viện Pasteur TP.HCM đi giám sát sốt xuất huyết tại Bình Phước, Long An và Bến Tre, mục tiêu là hướng dẫn người dân diệt lăng quăng và chống sốt xuất huyết từ đầu mùa dịch.
Đông Nam Á đau đầu với sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết gây dịch tại nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Ở Philippines, hơn 1.800 người mắc bệnh khi sốt xuất huyết bùng phát tại các tỉnh miền trung nước này từ tháng 6, theo AFP. Ít nhất 10 người đã thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định do Philippines bước vào mùa mưa từ tháng 6, khiến nước tù đọng tại nhiều nơi, tạo môi trường cho muỗi sinh trưởng.
Trong khi đó, đảo quốc Singapore vốn nổi tiếng xanh - sạch đang đối phó với dịch sốt xuất huyết diễn tiến trầm trọng. Từ đầu tháng 6 đến nay, hơn 8.600 người mắc bệnh khiến Chính phủ Singapore phải phát động chiến dịch truyền thông phòng chống sốt xuất huyết và các chiến dịch tẩy uế môi trường, ngăn muỗi phát sinh.
Thái Lan cũng đang “đau đầu” với dịch sốt xuất huyết hoành hành. Khi số người tử vong vì căn bệnh này chạm mốc 71 trong năm nay, Bộ Y tế Thái Lan phải phát động chiến dịch quốc gia triệt tiêu loại muỗi Aedes mang bệnh.
ANH DUY
Nguồn: Tuổi Trẻ