Khám phá thế giới loài kiến

TTO - Những côn trùng nhỏ bé như loài kiến sống ở khắp mọi nơi, từ thành phố tới miền quê, từ những cánh rừng sâu rậm rạp tới những sa mạc nóng gay gắt… Cuộc sống của chúng luôn chứa đựng những điều kỳ diệu làm chúng ta phải kinh ngạc.

Kiến mật Myrmecocystus

Các loài kiến sống nơi có khí hậu khô cằn phải tích trữ thực phẩm để tồn tại lâu dài trong thời kỳ khan hiếm thức ăn. Trong những sa mạc Bắc Mỹ, cơ thể kiến mật Myrmecocystus phình to lên thành một “thùng chứa chất lỏng” rất đặc biệt, thùng chứa công cộng này sẽ tiết ra “dịch mật” - nguồn thực phẩm dồi dào cho các thành viên khác trong tổ.

Kiến quân đội Eciton burchellii

Nổi tiếng hung dữ, những đàn kiến quân đội Eciton burchellii sống tại các khu rừng Nam và Trung Mỹ sẽ càn quét mọi thứ trên đường di chuyển của chúng.

Kiến “ma cà rồng” Adetomyrma

Nghe tên “ma cà rồng”, có lẽ bạn nghĩ loài kiến này sẽ hút máu trên những nạn nhân xấu số? Thật ra, chúng rất nhút nhát và điều kỳ lạ là lại hút chất dinh dưỡng tiết ra trên những tuyến đặc biệt từ những con ấu trùng.

Adetomyrma là một loài kiến đặc hữu sống ở đảo Madagascar, được các nhà côn trùng học mô tả lần đầu tiên vào năm 1993 nhưng không thu hút được nhiều sự chú ý mãi cho đến khi những khám phá đầy đủ về chúng được công bố trong năm 2001.

Kiến nhảy Harpegnathos saltator

        

Harpegnathos saltator là loài kiến nhảy được tìm thấy ở Ấn Độ, chúng có hàm dưới dài và có khả năng búng mình lên không được ít nhất 2,54 cm. Không giống như những loài kiến khác sống thành tập đoàn, kiến nhảy thường sống đơn độc hoặc đôi khi chỉ sống thành từng nhóm nhỏ. Đây cũng là một trong những loài kiến đầu tiên sẽ được các nhà khoa học giải mã trình tự bộ gene (genome sequenced).

Kiến lực sĩ Podomyrma adelaidae

Loài kiến này sống trên cây ở bán đảo Eyre, miền nam nước Úc. Trong ảnh cho thấy sự cộng sinh của kiến Podomyrma adelaidae và ấu trùng bướm Lycaenid.

Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi: ấu trùng tiết ra dịch ngọt như mật - thức ăn rất tuyệt cho kiến; ngược lại kiến sẽ bảo vệ sự an toàn cho ấu trùng tránh những động vật săn mồi khác chẳng hạn như ong vò vẽ.

Kiến Cecropia

Tạo nơi trú ẩn và bảo vệ cây.

Một điển hình khác cho thấy cộng sinh thú vị là giữa cây Cecropia và kiến Cecropia tại những cánh rừng mưa nhiệt đới Costa Rica (Trung Mỹ).

Kiến Cecropia đục lỗ bên trong những thân rỗng của cây Cecropia để làm làm nơi trú ẩn; ngược lại cây Cecropia sẽ được loài kiến này dọn dẹp sạch sẽ thực vật biểu sinh sống bám trên cây và bảo vệ cây với lòng nhiệt thành nhất: với sức mạnh của tập thể, chúng sẽ vây quanh, tấn công và xua đuổi những kẻ xâm phạm “không mời mà đến”.

Kiến ăn thịt sống Thaumatomyrmex atrox

Một trong những loài kiến hiếm trên thế giới đã làm bối rối các nhà côn trùng học bởi cái hàm dưới dài kỳ quái của chúng, đó là kiến ăn thịt sống Thaumatomyrmex atrox sống tại những khu rừng nhiệt đới châu Mỹ.

Năm 1990, một đội các nhà nghiên cứu Brazil đã tìm ra câu trả lời: cái hàm dưới rất khỏe, phát triển dài ra là để giữ chặt và xơi tái con mồi ưa thích là những động vật nhiều chân (millipede) có lông gai góc khá nguy hiểm.

Kiến lớn nhất Nam Mỹ Dinoponera

Dinoponera được biết đến là loài kiến lớn nhất Nam Mỹ với chiều dài cơ thể của con trưởng thành có thể hơn 3 cm.

THIÊN NHIÊN (Theo The New York Times)

 

Hỗ trợ khách hàng
Chi nhánh TP.HCM
Gọi đường dây nóng
1800 1554

028.39118076

028.39118077
 
 
Chọn lại khu vực cần xử lý
Đang online : 4306
Lượt truy cập: 14876585