Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt
Đến Bệnh viện Da liễu thăm khám trong tình trạng hai chân nổi nhiều vệt ban đỏ đau rát và có xu hướng ngày càng lan rộng ra. Anh Lã H. (ngụ phường Phước Long A, quận 9) cho biết, mấy ngày vừa qua, cứ đến tối là trong nhà anh xuất hiện khá nhiều kiến to, trên người có 3 khoang rõ rệt.
Mặc dù đã rất cẩn thận bắt, giết hết kiến nhưng chân anh vẫn bị mẩn đỏ, đau rát và lan ra nhiều khu vực khác. Vết thương cứ đỏ ửng và lan rộng, anh đã ra hiệu thuốc mua thuốc bôi mà không thuyên giảm nên đến bệnh viện điều trị.
“Nhiều cư dân xung quanh cũng gặp phải tình trạng tương tự, không chỉ có kiến ba khoang, thậm chí có nhiều loại côn trùng cứ đến tối là bay vào nhà và đã có nhiều người nhập viện vì bị loài côn trùng này đốt”, anh Lã H. cho hay.
Còn tại Trung tâm quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cũng đã có thông báo khuyến cáo sinh viên lưu ý phòng tránh kiến ba khoang, đồng thời tổ chức phát quang bụi rậm trong khuôn viên ký túc xá và phun thuốc diệt kiến, vì thời gian qua nhiều sinh viên phản ánh ký túc xá khu B - Đại học Quốc gia TPHCM xuất hiện kiến ba khoang, nhiều nhất là về đêm.
Nhiều sinh viên đã phải nghỉ học, nhập viện điều trị vì kiến ba khoang đốt.
Vết đốt của kiến ba khoang gây lở loét
Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae, Coleoptera), trong cơ thể chúng có chứa pederin - độc tính gây bỏng. Loài côn trùng này có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài 0,7 - 1 cm, ngang 2 - 5 cm), có hai màu cam sẫm và đen, nhìn giống con kiến, do đó dân gian còn gọi với nhiều tên khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong.
Tại bệnh viện, hầu hết các bệnh nhân đến thăm khám do kiến ba khoang đốt đều trong tình trạng đã muộn, đa phần có biểu hiện thương tổn da, nổi hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân…
Nguyên nhân là do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa pederin - độc tính gây bỏng da. Thậm chí có những trường hợp nặng gây tổn thương nghiêm trọng toàn thân và phải nằm viện điều trị.
Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, thời gian gần đây, khi TPHCM bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện thích hợp cho kiến ba khoang sinh sản và thường bay theo hướng gió vào nhà. Các bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, chỉ cần điều trị bằng thuốc giải dị ứng và thuốc thoa tại chỗ.
Tuy nhiên, người dân nếu không xử trí đúng có thể gây viêm nặng hơn, lở loét toàn thân, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Một sai lầm mà nhiều người dân thường mắc phải là thấy kiến ba khoang đã dùng tay, chân để giết kiến.
"Điều này là không nên bởi chất dịch trong kiến dễ dính vào da gây tổn thương. Nếu độc tố dính vào tay mà không rửa sạch ngay, vô tình sẽ làm độc tố lan sang các vùng khác trên cơ thể", bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo cho hay.
Kiến ba khoang
Để tránh kiến ba khoang, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn; ngủ trong màn.
Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.
Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động và có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.
Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, người dân không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.
Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết. Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.
THÀNH AN