Một số hiểu biết cơ bản về muỗi và tác hại của muỗi

Thực tế chứng minh, loài muỗi bé nhỏ mới chính là sinh vật gây chết người nguy hiểm nhất thế giới, hơn cả những loài động vật đáng sợ như cá sấu, voi, cá mập... Chúng lan truyền bệnh cho khoảng 70 triệu người mỗi năm ở châu Phi, Nam Phi, Trung Phi, Mexico và phần lớn châu Á và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 2 triệu người mỗi năm.

Muỗi  là loài côn trùng thuộc bộ cách màng (Diptera). Khác với những loài cánh màng khác, trên cách muỗi có những vảy nhỏ. Muỗi cái có phần miệng kéo dài thành vòi hút. Muỗi đực có râu đầu hình lông chim và không có vòi hút như muỗi cái.Thức ăn chủ yếu của muỗi là mật hoa hoặc các nguồn chất ngọt tương tự như đường.

Theo thống kê của các nhà khoa học, có khoảng 2.500 loài muỗi khác nhau trên thế giới. Muỗi quấy rầy cuộc sống, làm cản trở sự nghỉ ngơi cũng như công việc của con người. Chúng tấn công đàn gia súc, vật nuôi làm chúng chậm lớn, mắc bệnh, giảm sản lượng sữa .v.v. Nhưng đặc biệt nghiêm trọng là một số loài muỗi là tác nhân lây truyền những căn bệnh nguy hiểm cho con người như: bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng, giun chỉ, viêm não hay truyền virus Tây Sông Nin cho người và gia súc …

 
(Muỗi đang hút máu người)

 

Vòng đời và đặc tính sinh học  của muỗi


Muỗi thuộc loài biến thái hoàn toàn, vòng đời trải qua 4 giai đoạn: Trứng, sâu non, nhộng, trưởng thành. Mỗi một giai đoạn có thể dễ dàng nhận biết bởi những đặc điểm rất khác biệt.

 

Giai đoạn trứng

Ở một số loài muỗi, trứng được đẻ kết lại với nhau thành mảng trôi nổi trên mặt nước, một mảng có thể bao gồm đến 100 - 300 trứng.Những mảng trứng này trông giống như những vết váng bẩn trôi nổi trên mặt nước.Một số loài khác như muỗi Anopheles lại đẻ từng trứng riêng lẻ mà không kết thành đám như trên.Một số loài (Culex, Culiseta, Anopheles) đẻ trứng trên mặt nước trong khi một số loài khác (Aedes, Ochlerotatus) lại đẻ trứng trên mặt đất ẩm ướt có ngập nước. Một con muỗi cái có thể đẻ cứ sau 3 đêm ra một mảng trứng như vậy trong suốt cuộc đời. Phần lớn trứng muỗi sẽ nở thành ấu trùng trong vòng 24 - 48 tiếng. Ở một số loài, trứng có thể tồn tại được trong điều kiện nhiệt độ dưới 0oC trong mùa đông, sau đó khi ấm áp chúng sẽ nở trở lại, hoặc có những loài trứng có thể chịu được điều kiện khô hạn và chỉ nở khi có nước ngập trở lại (như ở loài Aedes và Ochlertatus). Nước là một điều kiện tối quan trọng trong đời sống của chúng. Phần lớn các loài muỗi thường đẻ trứng trên mặt nước sạch hoặc những nơi chứa nước ttù đọng như trong bể nước, vại nước, vỏ lon, chậu cảnh, bể tắm, mảnh chậu vỡ, vũng nước đọng .v.v. Đặc biệt muỗi rất thích đẻ trứng ở những nơi nước đọng được che khuất  ánh sáng và gió bởi cây cỏ.

 


(Muỗi đẻ trứng)

 

Giai đoạn ấu trùng

Ấu trùng muỗi thường sống trong nước từ 4 – 14 ngày tùy nhiệt độ nước. Trong quá trình  sống trong nước nó luôn phải chạm vào mặt nước để thở. Phần lớn ấu trùng muỗi treo ngược mình gần mặt nước và có một ống thở  (ống siphon) thò lên trên mặt nước để thở. Riêng ấu trùng của loài muỗi Anopheles không có ống thở do đó nó phải nằm song song với mặt nước để thở. Một số loài khác lại bám vào thân cây mọc trong nước để tận dụng khí ô xy.  Ở giai đoạn ấu trùng này muỗi cần rất nhiều thức ăn là các loài vi sinh vật hoặc các chất hữu cơ  trong nước như tảo, sinh vật phù du, nấm, vi khuẩn .v.v. Có một loài muỗi là loài Toxorhynchites với cơ thể khá lớn lại là thiên địch của muỗi thông thường vì ấu trùng của nó ăn ấu trùng của các loài muỗi khác. Trong quá trình phát triển, ấu trùng lột xác 4 lần và lớn dần sau mỗi lần lột xác. Trong lần lột xác thứ tư ấu trùng chuyển sang giai đoạn nhộng.

 

(Ấu trùng muỗi)


Giai đoạn nhộng

Đây là giai đoạn ngủ nghỉ, không ăn uống nhưng nhộng muỗi vẫn di chuyển. Tùy thuộc vào sự thay đổi ánh sáng, bằng một cái búng mình hoặc quẫy đuôi, nhộng muỗi có thể dịch chuyển xuống đáy nước hoặc khu vực an toàn hơn. Nhộng muỗi thường có màu sáng hơn so với màu nước. Chúng bám vào mặt nước và sử dụng 2 ống thở để thở (gọi là ống trumpets ). Đây là thời gian chuyển đổi cơ thể thành muỗi trưởng thành. Thời gian của giai đoạn này tùy thuộc vào loài và điều kiện môi trường, ví dụ với loài Culex trong điều kiện mùa hè, giai đoạn nhộng  kéo dài trong 2 ngày. Nhìn chung giai đoạn nhộng ở muỗi thường kéo dài 1-4 ngày. Khi đã phát triển hoàn chỉnh, muỗi trưởng thành sẽ phá vỡ bọc nhộng để thoát ra.

 


(Nhộng muỗi)

 

Giai đoạn trưởng thành

Khi vừa mới thoát ra khỏi bọc nhộng, cơ thể trưởng thành còn yếu ớt, chúng phải lưu lại trên mặt nước một thời gian ngắn để cơ thể cứng cáp, cánh mở hẳn ra và đủ khô rồi mới bay đi.Nhu cầu hút máu làm thức ăn và giao phối chưa xuất hiện trong một vài ngày sau khi vũ hóa.
Chỉ muỗi cái là có nhu cầu hút máu làm thức ăn.Muỗi đực không hút máu nhưng sử dụng mật hoa hoặc những nguồn thức ăn ngọt khác để tồn tại.
Muỗi trưởng thành có khả năng bay rất khỏe, những loài như Aedes hoặc Ochlerotatus có thể bay xa khỏi nơi sinh ra đến cả chục cây số. Tuy nhiên phần lớn chúng thích lẩn quẩn trong khu vực nhà ở của người, gia súc hoặc nơi cư trú quen thuộc, chỉ khi nào thời tiết thuận lợi và nhu cầu tìm nguồn nước để đẻ trứng chúng mới di chuyển xa.

          
(Quá trình vũ hóa của muỗi)

 

Thời điểm ưa thích  hút máu làm thức ăn của mỗi loài muỗi là khác nhau. Ví dụ như các loài Aedes và Ochlerotatus thường kiếm ăn vào lúc sáng sớm hoặc trời nhập nhoạng tối.Loài Culex thường tấn công người vào lúc nhập nhoạng tối hoặc tối hẳn.Loài Culiseta tấn công trong đêm tối.  Loài Anopheles là loài tấn công liều lĩnh và dai dẳng nhất và đây cũng là loài duy nhất truyền bệnh sốt rét cho con người .v.v.

Thời gian để muỗi hoàn thành một vòng đời là rất khác nhau tùy loài và điều kiện ngoại cảnh (có thể từ 10 – 14 – 20 – 30 ngày) nhưng có một qui luật chung là khi điều kiện ngoại cảnh thuận lợi (ấm áp, ẩm ướt và đầy đủ thức ăn …) thì thời gian để hoàn thành một vòng đời sẽ ngắn lại.

Hỗ trợ khách hàng
Chi nhánh TP.HCM
Gọi đường dây nóng
1800 1554

028.39118076

028.39118077
 
 
Chọn lại khu vực cần xử lý
Đang online : 1486
Lượt truy cập: 14873765